CO2 thủy sinh là gì? Có rất nhiều người thắc mắc tại sao lại cho khí CO2 vào bồn cá cảnh. Bài viết này giải thích cho mọi người hiểu CO2 thủy sinh là gì?
Thân và lá cây thủy sinh được tạo nên bởi 45% là carbon (C) và CO2 sẽ giúp cung cấp thành phần này vào bể. CO2 cũng là 1 trong 3 yếu tố quan trọng nhất (dinh dưỡng, ánh sáng, CO2) tạo thế kiềng 3 chân vững chắc để bể thủy sinh của bạn có thể phát triển một cách an toàn và ổn định. Dinh dưỡng và ánh sáng có thể mang tính chất quyết định tới sự sống chết của cây trồng nhưng CO2 thì không, nó được coi như chất kích thích, như doping cho cây trồng, nó giúp cây trong bể của bạn mướt mát hơn, đẹp hơn, khỏe mạnh hơn và đó là tiền đề quan trọng để cân bằng môi trường hồ và chống lại sự xâm lăng của các loài rêu tảo hại.
Trồng cây gì không cần CO2?
Đây là một câu hỏi thuộc dạng “kinh điển” mà bạn có thể bắt gặp khi dạo quanh một vòng cộng đồng mạng. Như đã nói, CO2 không quyết định việc cây sẽ sống hay chết và cây nào cũng “thích” CO2, giống như con người vậy, ai cũng thích có không khí sạch để thở chứ. Tuy nhiên, nhu cầu CO2 nhiều hay ít lại tùy thuộc vào từng loài cây, vào môi trường bể mà bạn đã thiết lập. Nhiều loài cây có sức sống mãnh liệt trong môi trường nghèo nàn, thiếu thốn và do đó nó vô tình bị xếp vào danh sách “những cây thủy sinh không cần CO2”.
Đa phần bạn sẽ được tư vấn chơi các loài rêu, ráy, dương xỉ, tiêu thảo phổ biến, ngoài ra còn một số loài cắt cắm hay được bán ở các hàng cá cảnh nữa. Bạn trồng chúng vào một bể không có CO2, chúng vẫn phát triển, thậm chí là còn khá xum xuê nữa cơ, nếu bạn cảm thấy ổn với cách chơi đó thì tốt rồi. Còn không, hãy trang bị ngay một hệ thống CO2 để cho cây trồng trong bể một cuộc sống “khá” hơn cũng như sẵn sàng chinh phục những loài cây đẹp hơn, rực rỡ hơn và những bố cục tuyệt vời hơn.
Một hệ thống CO2 thủy sinh đầy đủ có những gì?
Với một hệ thống CO2 cơ bản để có thể chơi được nó sẽ cần những thành phần sau: (1) Bình chứa khí CO2 gắn van tổng + (2) dây dẫn khí CO2 + (3) bộ trộn CO2 vào nước.
Đối với bình chứa khí sẽ có các thể tích cũng như kích thước phù hợp với nhu cầu và thẩm mỹ của bạn. Phổ biến nhất là loại bình chứa được 3kg khí CO2.
Đối với dây dẫn khí thì mọi người hay dùng chính dây dẫn oxi có bán rất nhiều trên thị trường, cũng có những loại dây chuyên dụng CO2 nhưng bỏ qua thấy nó không thật sự cần thiết.
Ngoài ra, trước dây dẫn khí các bạn cũng có thể lắp thêm một bộ đếm giọt để dễ dàng ước lượng được mức độ CO2 mình đang sử dụng, đây là bộ phận không bắt buộc vì sau này các bạn có thể điều chỉnh được lượng CO2 bằng cách nhìn phản ứng của cây trồng cũng như sinh vật trong hồ.
Van điện cũng là một thiết bị ngày càng trở nên phổ biến, nó giúp đóng ngắt co2 tự động khi kết hợp với thiết bị hẹn giờ. Một bộ van điện sẽ bao gồm cả đếm giọt và van một chiều nên rất gọn gàng sau khi lắp đặt. Van điện cũng giúp tiết kiệm CO2 và giảm được nhiều nguy cơ rò rỉ khí.
Bộ trộn CO2 vào nước có khá nhiều sản phẩm để các bạn lựa chọn, chủ yếu dựa trên 2 nguyên lý hoạt động chính: phát tán các bong bóng khí CO2 vào hồ hoặc hòa tan khí CO2 vào nước. Tùy theo nhu cầu và sở thích các bạn sẽ chọn được sản phẩm phù hợp. Riêng BOUaqua thích cách thứ nhất hơn vì nó đơn giản và hiệu quả cũng ở mức hài lòng.
Một bộ đo nồng độ CO2 sẽ giúp bạn biết được mức độ CO2 trong nước hồ đang ở mức nào. Có 2 loại bộ đo phổ biến: sử dụng màu sắc để chỉ thị mức độ CO2 và sử dụng con số (nếu là thiết bị điện tử).
Một bộ hẹn giờ là không thể thiếu nếu bạn đã dùng van điện, nếu không nó sẽ trở nên lãng phí.
Bao nhiêu CO2 trong bể là đủ?
Đối với người mới chơi thật khó để xác định được bao nhiêu khí CO2 là đủ với bể của mình, do đó người chơi đã ngầm quy ước một đơn vị để tính lượng CO2, đó là “giọt trên giây”. Hãy nhìn vào bộ đếm giọt trong hệ thống khí CO2 thủy sinh của bạn và đếm thử xem trong một giây nó nổi lên bao nhiêu bong bóng khí? Tất nhiên đó chỉ là một cách ước lương đơn giản, dễ hiểu mà thôi, để đo lường chính xác nồng độ khí CO2 trong bể các bạn cần có công cụ.
Đơn giản và phổ biến là những bộ đo khí CO2 đơn giản được bán nhiều ở các tiệm thủy sinh, khi nhìn vào màu sắc chỉ thị các bạn sẽ biết được nồng độ CO2 trong bể mình đang thiếu, thừa hay đã vừa đủ rồi. Còn có những cách đo chính xác hơn, cầu kỳ hơn nhưng bỏ qua xin phép không nhắc tới trong khuôn khổ một bài viết dành cho người mới như thế này.
Quay lại với những người mới chơi, các bạn có thể sử dụng cách đếm giọt/giây để dễ ước lượng. Nếu bạn muốn điều chỉnh mức độ khí CO2, hãy lợi dụng biểu hiện của những chú cá, chúng sẽ có xu hướng bơi lên sát mặt nước để nhận được nhiều oxi hơn, đó chính là do mức độ khí CO2 trong nước của bạn đang ở mức dư thừa. Chú ý: cách này chỉ phù hợp nhất với bể từ 90cm trở lên và sau khi chơi một thời gian bạn sẽ tự ước lượng được mức độ khí CO2 cần thiết thông qua các biểu hiện của cây trồng, không cần phải đo và cân chỉnh một cách máy móc như trên nữa.
Lựa chọn hệ thống CO2 thủy sinh phù hợp và hiệu quả
Hiện nay chi phí cho một hệ thống khí CO2 thủy sinh cơ bản chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng bao gồm bình chứa khí, van một chiều và sủi gốm. Số tiền này nhìn qua có thể là lớn nhưng giá trị mà nó mang lại thì không hề nhỏ chút nào. Khí CO2 luôn là một sự đầu tư khôn ngoan, bạn thật sự cần chúng nhưng đáng tiếc là nhiều người sau một quá trình trải nghiệm mới nhận ra điều đó và đến lúc ấy họ mới thấy tiếc vì đã không đầu tư ngay từ đầu. Hệ thống khí CO2 rất giữ giá và dễ dàng bán lại khi bạn không còn nhu cầu nữa.
Một bình khí Khí CO2 3kg được chuyển đổi từ bình cứu hỏa là một phương án tốt cho đại đa số người chơi. Hãy tìm mua từ những thương hiệu thủy sinh uy tín đã được nhiều người tin tưởng để có thể yên tâm ở mức cao nhất. Bình cứu hỏa có cấu tạo rất chắc chắn, nó được sinh ra để chịu đựng nhiệt độ trong những đám cháy, chịu sự quăng quật trong nhiều tình huống nên lựa chọn này đôi khi còn an toàn hơn cả những bình nhôm đẹp mắt nữa.